Khảo sát Expat Explorer do HSCB thực hiện năm 2014, dựa trên ý kiến của người nước ngoài về 3 yếu tố chính, gồm trải nghiệm cuộc sống, điều kiện kinh tế và môi trường sống cho con cái.
New Zealand dẫn đầu trong danh sách 20 quốc gia hấp dẫn nhất với người nước ngoài muốn tìm kiếm cuộc sống ở một môi trường mới. Trong khi đó, Việt Nam đứng hạng 16, xếp trên các nước như Nga (hạng 17), Nhật Bản (hạng 18), Malaysia (hạng 19) và Bỉ (hạng 20).
Những người tham gia khảo sát đánh giá tích cực về các điều kiện kinh tế khi sinh sống ở Việt Nam, đặc biệt yếu tố thu nhập khả dụng (thu nhập sau khi đã trừ các khoản thuế và có thể chi tiêu). Những ý kiến lựa chọn Việt Nam đánh giá cao về chi phí thấp, từ phương tiện đi lại, đến giải trí, hệ thống giao thông công cộng chất lượng, khiến họ vẫn tận hưởng cuộc sống và tiết kiệm thu nhập.
Gần 80% ý kiến của những người nước ngoài sống tại Việt Nam nói họ đi du lịch khám phá nhiều hơn so với ở quê hương. Với chi phí giao thông công cộng thuộc loại thấp nhất, họ cho rằng không có lý do gì để không khám phá Việt Nam.
Phần lớn ý kiến khuyên nên tận hưởng những dịp lễ hội cổ truyền của Việt Nam, đặc biệt là dịp Tết Âm lịch. 89% ý kiến đặc biệt yêu thích văn hóa địa phương của Việt Nam.
Ẩm thực cũng là một ưu điểm lớn của du lịch Việt Nam trong mắt người nước ngoài. Đến 87% những người ngoại quốc sống tại Việt Nam khẳng định họ rất yêu thích các món ăn Việt. "Hãy thưởng thức ẩm thực địa phương và phương tiện giao thông nội địa. Du lịch vòng quanh đất nước này rất dễ dàng và giá cả hợp lý", một người nước ngoài sống tại Việt Nam chia sẻ.
Những yếu tố xếp hạng cao khác của Việt Nam gồm cuộc sống xã hội và kết giao bạn bè (73%). Những người mà HSBC lấy ý kiến đều cho rằng người Việt Nam vô cùng thân thiện và dễ kết bạn.
Một người khác tên Eric khuyên rằng: "Hãy tận dụng cơ hội học tiếng Việt, vì nó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bạn. Bên cạnh đó, hãy xây dựng một tư duy cởi mở, vì những gì mà người phương Tây xem là bất thường lại có thể là chuyện bình thường với người Việt Nam”.
Tuy nhiên, phần lớn ý kiến góp ý Việt Nam cần nỗ lực cải thiện việc chăm sóc y tế và bảo đảm chất lượng cuộc sống cho con cái của họ.
Theo Báo Du lịch