Ông Trần Bá Dương, chủ tịch Trường Hải dùng từ "ngược" để nói về tham vọng xuất khẩu ôtô từ Việt Nam sang các nước trên thế giới, mà bắt đầu là hàng xóm ASEAN. Ngược thứ nhất là Việt Nam chỉ chuyên nhập khẩu ôtô chứ không xuất khẩu. Ngược thứ hai là bối cảnh 2018 đang tới gần, thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN về 0%, các hãng lớn liên doanh đang có xu hướng chuyển từ lắp sang nhập thì Trường Hải lại đi lắp.
Mazda CX-5 sản xuất ở nhà máy hiện tại của Trường Hải. Ảnh: Đức Huy. |
Cơ sở để Trường Hải lựa chọn Mazda làm mục tiêu sản xuất để xuất khẩu là bởi tại Đông Nam Á hãng xe Nhật vẫn chưa có nhà máy chính thức quy mô lớn nào. Mazda cũng lắp ráp xe ở Thái Lan nhưng dưới dạng chuyển giao công nghệ, quy mô không lớn.
Yếu tố khác là tốc độ tăng trưởng cao của Mazda tại Đông Nam Á sau khi ra ngôn ngữ thiết kế mới Kodo cùng thế hệ động cơ SkyActiv hợp thị hiếu khách hàng khu vực này. Việt Nam, Philippines và Malaysia là những thị trường tăng tốt nhất, theo tiếp đó là Thái Lan và Indonesia.
Trường Hải hiện thực hóa chiến lược xuất khẩu bằng cách khởi công xây dựng một nhà máy mới chuyên sản xuất xe Mazda tại Khu kinh tế mở Chu Lai vào 26/3. Tập đoàn Mazda Nhật Bản tham gia thông qua chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật.
Nhà máy mới dự kiến khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 4/2018, công suất tối đa 100.000 xe mỗi năm, tức gấp 10 lần nhà máy VinaMazda hiện tại nằm ngay bên cạnh. Giai đoạn đầu sẽ khai thác khoảng 50% công suất, tức 50.000 xe mỗi năm.
Năm 2018, thuế suất nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN vào Việt Nam theo Hiệp định hàng hóa trong khu vực (ATIGA) là 0%, nhưng đây không phải là mức thuế suất chỉ áp dụng cho Việt Nam. ATIGA chi phối mức cam kết ưu đãi thuế suất của tất cả các nước trong khu vực tham gia hiệp định và thực tế hầu hết các nước đến nay đều đã áp dụng mức thuế suất nhập khẩu 0% từ các nước khác trong ASEAN.
Nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa trong khu vực 40%, xe Mazda của Trường Hải sản xuất có thể xuất khẩu ngược sang các nước ASEAN với thuế suất 0%. |
"Vấn đề đặt ra chỉ là, liệu Việt Nam có thể làm ra ôtô để xuất khẩu vào những thị trường sừng sỏ vốn có nền công nghiệp ôtô lớn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia?", một chuyên gia nhận định. Ông Dương và Trường Hải có lợi thế khi khu vực chưa có những nhà máy lớn cung cấp xe Mazda. Nhưng khó khăn là làm cách nào để Mazda sản xuất ở Chu Lai rẻ hơn xe ở những nơi khác?
Linh kiện mà Trường Hải đang phải nhập khẩu để lắp ráp ôtô hiện chịu thuế 18%, tỷ lệ nội địa hóa với xe con cũng là 18%. Hãng này cần khung chính sách giảm thuế nhập khẩu linh kiện cũng như phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước để đạt tỷ lệ nội địa hóa (trong khu vực) là 40% từ sau 2018, tạo cơ sở thiết thực cho khả năng xuất khẩu với thuế suất 0% vào các thị trường ASEAN.
Trường Hải bắt đầu lắp ráp xe Mazda từ 2012, sau khi có chiến lược tương tự với Kia từ 2007. Khoảng 2 năm qua là giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của thương hiệu Mazda tại Việt Nam với doanh số năm 2016 là hơn 30.000 xe, đứng thứ 2 sau Toyota, 2 dòng xe ăn khách nhất là Mazda3 và CX-5.
Cách thức đạt doanh số cao của Mazda là chiến lược giảm giá liên tục hàng tháng cả vài chục triệu đồng. Ví dụ CX-5 trong 2016 mức giá cuối năm giảm 90 triệu so với đầu năm. Trường Hải cũng châm ngòi cho cuộc chiến giảm giá xe, điều chưa từng thấy và khách hàng cũng chưa từng nghĩ tới sẽ xảy ra tại Việt Nam.
Đức Huy