Phục hồi sau 13 tháng giảm liên tiếp
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6/2015 giảm 1,9% và là tháng giảm thứ 13 liên tiếp kể từ tháng 6/2014. Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính 3,8 triệu lượt người, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do thị trường Trung Quốc vốn chiếm tỷ trọng cao và các thị trường nói tiếng Hoa vẫn chưa thể phục hồi, trong khi thị trường inbound (khách quốc tế vào Việt Nam) lớn thứ hai là Nga lại sụt giảm mạnh do xứ sở Bạch dương lâm vào khủng hoảng kinh tế. Thêm vào đó, dịch bệnh Mers-CoV tại Hàn Quốc từ tháng 5 - 7/2015 cũng gây “khó” cho du lịch Việt khi cả lượng khách outbound và inbound Hàn Quốc đều chững lại… Tuy nhiên, điều mừng là đà suy giảm đã dừng lại trong tháng 7, khi những con số thống kê cho thấy lượng khách quốc tế bắt đầu tăng trở lại.
Khách quốc tế tham quan khu phố cổ Hà Nội dịp 2/9. Ảnh: Công Hùng |
Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7 đạt 593.600 lượt người, tăng 12,1% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách tiếp tục tăng trong tháng 8/2015 với 664.985 lượt, tăng 12,0% so với tháng 7 và tăng 7,5% so với tháng 8/2014. Lượng khách quốc tế tăng trở lại trong 2 tháng liên tiếp khiến ngành du lịch thở phào nhẹ nhõm sau 13 tháng chứng kiến sự phát triển ảm đạm.
Sẽ “lội ngược dòng”
Hầu hết các đơn vị lữ hành đều khẳng định lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trở lại khá rõ rệt, đặc biệt là thị trường châu Á. Bà Trần Thị Việt Hương – quyền Giám đốc Ban tiếp thị Vietravel xác nhận, trong tháng 7 và 8, lượng khách quốc tế của Vietravel tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014. Khách chiếm tỷ trọng nhiều nhất đến từ các nước châu Á, đặc biệt những thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, vì thời điểm này cũng là giai đoạn hè của đất nước họ nên nhu cầu du lịch tăng cao.
Đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, nhóm thị trường khách 5 nước châu Âu vừa được Việt Nam miễn thị thực có dấu hiệu tăng trưởng mạnh so với tháng trước: Tây Ban Nha tăng 159,3%; Italia tăng 141,4%; Đức tăng 54,1%; Pháp tăng 25,8% và Anh tăng 25,5%. Về xu hướng này, bà Hương cũng xác nhận, tháng 7 và 8 là 2 tháng có lượng khách đến từ 5 thị trường được miễn thị thực đông nhất, trong đó, Tây Ban Nha và Italia có sự tăng trưởng nhẹ, nhưng số lượng khách không lớn so với 3 thị trường Anh, Đức và Pháp. Bà Trần Thị Việt Hương cũng cho hay, trong số 5 thị trường nói trên thì Anh có sự tăng trưởng rõ rệt hơn so với cùng kỳ năm ngoái, do người dân Anh bắt đầu quan tâm nhiều đến Việt Nam và việc đi lại cũng dễ dàng hơn sau khi Vietnam Airlines tăng cường đường bay thẳng từ London đầu tháng 7/2015.
Ông Đặng Trung Nghĩa – Phó Tổng Giám đốc Fiditour xác nhận, lượng khách chiếm số lượng lớn hiện tại ở Fiditour là nhóm du khách đến từ các quốc gia châu Âu. Bên cạnh đó, việc một số địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam đã được truyền thông thế giới quan tâm, quảng bá trên diện rộng như hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), Hà Nội và TP Hồ Chí Minh… cũng góp phần làm tăng lượng khách quốc tế đến với Việt Nam.
Theo các chuyên gia du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm vì đây là thời điểm nhiều quốc gia bước vào kỳ nghỉ đông, đồng thời có nhiều dịp nghỉ lễ như Giáng sinh, năm mới với những kỳ nghỉ dài ngày. Hơn thế, đây cũng là thời điểm chính sách miễn visa của Việt Nam đối với 5 quốc gia châu Âu bắt đầu được biết rộng rãi hơn, một yếu tố góp phần giảm thủ tục hành chính và giá tour. Đây là những tín hiệu lạc quan để kỳ vọng vào sự tăng trưởng “lội ngược dòng” của ngành du lịch trong những tháng cuối năm.
Theo Kinh tế và Đô thị