Dự định là sẽ không đi, nhưng rồi bà chị lại gọi mời thêm về hàng bánh căn này, nào là "bao rẻ, ngon và sạch sẽ..." cái nào cũng "bao trọn gói" nên tôi cũng xuôi tai, phó mặc đi theo với kỳ vọng "biết đâu sẽ khám phá được một địa điểm mới nào đó!? Dẫu sao, khách du lịch thì làm gì đọ nổi với người bản xứ".
Từ khách sạn trên đường Trần Phú, nhóm ba người chúng tôi lái xe máy mất khoảng gần 15 phút vào giờ tan tầm mới đến được Trần Quý Cáp. Với một thành phố biển nhỏ như Nha Trang thì đây không phải là quãng đường ngắn. Từ góc cua rẽ vào Trần Quý Cáp là một dãy các hàng bánh căn bình dân với biển lớn biển nhỏ quảng cáo đủ mọi loại tên. Khá hoang mang và chưa kịp định thần thì bà chị đã bật đèn xi nhan tấp thẳng xe vào căn tiệm be bé nằm ở số 134 một cách nhanh, gọn, lẹ.
Cũng giống như các hàng bánh căn gần đó, "134" đơn giản với vài bộ bàn ghế gỗ kê trước cửa nhà, hai lò bếp và khuôn bánh đặt trong góc cùng chén đũa, mắm ớt bày cả ra bàn. Ngó thấy không thể nào đơn giản và bình dân được hơn. Nhưng nó làm tôi liên tưởng và có một sự so sánh tới các hàng bánh căn nổi tiếng từng được ăn trước đây như cô Tư ở Tháp bà Ponagar hay bánh căn Hoàng Văn Thu, Yersin,... cảm giác nhỏ và không đông khách bằng (nhưng sau đó mới biết giờ đông khách nhất của quán là từ 7h - 9h tối).
Gian hàng đơn giản của hàng bánh căn tại 134 Trần Quý Cáp, Nha Trang
Đến sớm hơn một chút so với giờ đông khách, ba đứa mới chọn được một chỗ đẹp nhất ngay sát cạnh bếp cho tiện gọi, quan sát và học lóm.
Trước tiên là về mặt giá cả. Một tấm menu cỡ lớn được treo ngay trên cửa với đẩy đủ các loại bánh căn: tôm, mực, trứng cút, lòng đào, thịt bò,... được viết một cách chi tiết và rõ ràng. Nhìn chung, tất cả chỉ có giá từ 3.000 - 5.000/cặp bánh, một mức giá khá rẻ so với những hàng nổi tiếng khác trong trung tâm.
Bụng réo, miệng thì thèm ăn nên không chờ đợi gì thêm, chúng tôi gọi ngay một đĩa "bánh căn trứng cút đánh" ăn thử. Đây là món bánh căn cơ bản nhất trong tất cả mọi "phiên bản" bánh căn hiện có.
Ngồi quay lưng sát mặt lộ, chăm chú quan sát khay bánh, một chị gái nom cũng trẻ cứ thoăn thoắt múc từng vá bột đã pha sẵn trong thùng rót vào khuôn. Ở đây một đĩa gồm 5 cặp là 10 cái bánh. Bột trong khuôn vừa ráo thì chị lại đổ tiếp một lớp trứng cút đánh mịn vào giữa. Do bánh đang ở trong khuôn nóng nên đổ đến đâu, lớp trứng cứ loang ra đến đấy rồi lập tức ụp nắp lại để mặt bánh chín đều. Khoảng vài phút sau bắt đầu mở nắp, lúc này lớp bột và trứng loãng giờ đã chín, nở phồng đều và to thật là to. Đặc biệt lớp trứng cút đánh bây giờ trông hệt như cái tổ ong vàng ươm, bóng loáng. Nó nở phồng, bông lên từng lỗ đều khít khắp mặt, nhìn thấy là chỉ muốn ăn ngay lập tức!
Bánh vừa ra lò là lúc mà mạnh ai người nấy gắp. Khói bốc nghi ngút, nóng hổi vừa thổi vừa ăn.
Bánh căn trứng cút đánh nóng hổi vừa mới ra lò. Mặt trứng nở bông, phồng xốp trông như một cái tổ ong hay miếng bọt biển nhưng lại cực kỳ mềm, thơm và ngậy ngậy từ trứng.
Bánh căn ăn ở đâu cũng vậy, muốn ăn ngon là phải phủ lên mặt một lớp mỡ hành, thêm ít xoài sợi để tăng vị chua. Một đũa thật to, gắp miếng bánh rồi nhúng ngập mặt vào chén nước chấm tự pha với tỉ lệ, 6 phần mắm nêm và 4 phần nước mắm. Cộng thêm chút "tuyệt chiêu" bí mật tôi được bà chị chỉ lại là phải quậy thêm chút ớt bằm cay cay, rồi nặn một miếng chanh tươi để tăng vị thơm. Cứ đơn giản là thế, vừa chấm vừa húp, "đảm bảo nghiện".
Ba lọ nước chấm "thần thánh" của người miền Trung khi ăn bánh căn là mắm nêm và nước mắm cá.
Do món bánh căn trứng cút đánh này hơi nhạt, nên duy nhất ở hàng bánh căn 134 này còn chế thêm món cá kho để ăn kèm. Đây là món cá kho dùng để lấy nước cốt làm nước mắm chấm với bánh căn, nhưng được quán lấy phần thịt cá lại tận dụng làm món ăn kèm. Một sự vô tình nhưng đã khiến hàng bánh căn này trở nên đặc biệt hơn hẳn so với những chỗ khác. Khiến món bánh càng thêm ngon, không bị ngán vì mùi vị được nâng thêm một bậc, đậm đà, đặc trưng của một món ăn tiêu biểu vùng biển.
Phần cá kho thơm nồng vị biển, thịt cá thì tươi giữ nguyên vị ngọt trong từng thớ.
Thấy ngon làm tới, chúng tôi gọi thêm một đĩa "lòng đào thịt bò" ăn tiếp.
Thay vì khi nãy trứng cút được đánh đều thì bây giờ trứng cút được để nguyên cùng một ít thịt bò bằm thả vào giữa làm nhân. Trứng cút chỉ để ửng hồng, không quá chín, Thịt bò thì đã được xào và phi thơm. Cũng bởi vì thế mà lúc bánh mới ra lò trông cực kỳ bắt mắt, phần lòng đỏ thì sóng sánh như bôi một lớp dầu bóng làm cảm giác tăng thêm sự tươi ngon. Nhất là lúc chạm đũa vào miếng bánh cũng phải nâng niu để lòng đỏ còn nguyên vẹn mà từ từ vỡ tan trong miệng khi ăn.
Món da heo chiên giòn đặc biệt của quán.
Bánh căn lòng đào thịt bò nhìn thật sự là vô cùng "quyến rũ". Ụp hẳn cả miếng bánh vào chén nước chấm, thêm chút mỡ hành, xoài và không thể nào thiếu một ít da heo chiên giòn ăn kèm.
Với bánh căn lòng đào thịt bò này thì phải ăn kèm với món da heo chiên giòn đặc chế khác của quán. Da heo khô sau khi rửa sạch sẽ được mang đi chiên giòn vàng đều cả hai mặt. Lúc ăn cứ cắn miếng nào là kẹp ngay miếng da heo vào đến đó. Bánh căn mềm, thơm mùi bột gạo và beo béo từ lòng đỏ trứng cút, giờ thêm cảm giác giòn rụm tan vỡ trong miệng thì đúng là ngon một cách "quá khích".
Bánh căn lòng đào ở đây làm cực kỳ khéo, bánh nào cũng dẻo, béo thơm nồng mùi trứng cút tươi.
Ngoài ra còn có rất rất nhiều món ăn kèm khác như bánh mì khô chiên giòn, xíu mại hoặc chả,... Tuy nhiên cá kho và da heo khô chiên giòn thì chắc chắn bạn không thể nào tìm được ở bất cứ hàng bánh căn nổi tiếng nào khác ở thành phố Nha Trang.
Hai món ăn kèm này chỉ có thể tìm được ở hàng bánh căn 134 mà ít có khách du lịch nào biết đến.
Khi ngán bánh căn, bạn có thể ăn cá chấm với mỡ hành và nước mắm.
Ngoài ra bạn cũng có thể dùng món bánh căn mực ống siêu ngon ngọt.
Đây là đầy đủ nguyên liệu để ăn một chiếc bánh căn hải sản miền biển.
Món bánh này nếu được ăn vào những ngày trời mưa hoặc gió lạnh thì chẳng còn gì hoàn hảo bằng.